Hốt hoảng vì bỗng dưng phải nộp thuế khi lương cơ sở tăng

Lương cơ sở tăng từ 1/7, với mức tăng cao nhất từ trước đến nay nhưng nhiều người chưa kịp mừng đã lo vì bỗng dưng thành đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Lương cơ sở tăng từ 1/7 là mức tăng cao nhất từ trước đến nay

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7/2024 tới đây, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.

Việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp lần này tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh…

Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Biểu đồ mức lương cơ sở qua 19 lần thay đổi
Biểu đồ mức lương cơ sở qua 19 lần thay đổi

Nhiều người bỗng trở thành đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Tuy vui mừng với lương tăng đáng kể nhưng không ít người vẫn lo số tiền thực chất được hưởng sẽ không còn bao nhiêu khi giá cả nguy cơ tăng theo và đáng nói nhất là sẽ phải nộp thuế nhiều hơn do mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên. Thậm chí, nhiều người bỗng trở thành đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dù trước đây không thuộc diện này.

Nhiều người lo bỗng dưng phải nộp thuế vì lương cơ sở tăng.
Nhiều người lo bỗng dưng phải nộp thuế vì lương cơ sở tăng.

Chị Mai Lan (Hà Nội) chia sẻ, khi nghe tin lương tăng từ 1/7, chị rất vui mừng vì lương của chị sẽ được thêm gần 2 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan còn chi trả khoản lương tăng thêm theo kết quả kinh doanh và nhiều phụ cấp khác nên tổng cộng lương của chị từ gần 10 triệu đồng lên gần 12 triệu đồng. Như vậy, đang từ diện không phải nộp thuế, chị Lan đã phải chịu thuế TNCN từ tháng này.

Tôi sẽ phải nộp thuế cho mức thu nhập gần 1 triệu đồng. Tuy không quá nhiều nhưng cộng thêm việc giá cả hàng hóa ngày càng đắt đỏ, nguy cơ còn tăng nữa theo lương thì có thể thấy khoản thu từ tăng lương thực sự không đáng là bao. Với tôi, niềm vui này đúng là chưa trọn vẹn “, chị Lan nói.

Tuy không hốt hoảng vì bỗng dưng phải nộp thuế như chị Mai Lan nhưng chị Thanh Hà (Hà Nội) cũng hụt hẫng khi thấy đi kèm với lương tăng là tiền đóng thuế cũng tăng. Cụ thể, mức lương tăng đã đưa tổng thu nhập của chị Hà từ hơn 18 triệu đồng/tháng ước tính sẽ lên hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuế TNCN hiện tại chị phải đóng là 450.000 đồng/tháng và từ 1/7 dự kiến tăng lên 650.000 đồng, tăng 200.000 đồng. Mức tăng này tương đương 10% so với số tiền lương tăng thêm, đồng thời chiếm gần 1/3 số thuế phải nộp.

Thông tin lương cơ sở sắp tăng, người lao động chưa kịp mừng thì đã phải lo những chi phí khác, đặc biệt là khoản thuế TNCN, bởi đến nay Luật TNCN đã quá lạc hậu nhưng vẫn chưa được điều chỉnh.
Thông tin lương cơ sở sắp tăng, người lao động chưa kịp mừng thì đã phải lo những chi phí khác, đặc biệt là khoản thuế TNCN, bởi đến nay Luật TNCN đã quá lạc hậu nhưng vẫn chưa được điều chỉnh.

Mong lương tăng lên để bù đắp những khoản chi phí sinh hoạt tăng lên nhưng nếu giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay thì một phần không nhỏ thu nhập từ việc tăng lương của người hưởng lương lại “quay về” ngân sách vì phải nộp thuế. Ngoài ra, giá cả hàng hóa ngày càng có xu hướng tăng nên mức tăng lương cũng chưa bù đắp được phần nào “, chị Hà nói.

Chia sẻ với nỗi lo của người làm công ăn lương, chuyên gia kinh tế, GS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, biểu thuế TNCN theo quy định hiện nay được ban hành từ quá lâu rồi, quá lạc hậu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường.

Hiện các bậc thuế trong biểu thuế TNCN quá dày, sát nhau, nên khi lương nhích lên chỉ vài trăm ngàn thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong đó, có những người trước đây chưa phải nộp thuế, nhưng vì tăng lương nên phải nộp thuế TNCN hàng tháng. Đồng thời cũng có những người bị nhảy bậc thuế từ mức thấp lên mức cao”, vị chuyên gia phân tích.

Cũng bình luận về nội dung này, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề điều chỉnh lương chỉ là một vế ở trong công thức tính thu nhập sau thuế của người dân có ổn định hay không? Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh dẫu sao cũng chỉ mới dựa trên những quyết định về ngân sách chứ chưa phù hợp với mức tăng lạm phát. Nhiều mặt hàng có giá tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát được Cục Thống kê công bố. Chính vì thế vấn đề điều chỉnh thuế TNCN sao cho phù hợp với người dân mới là điều quan trọng.

Open this in UX Builder to add and edit content

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Left Banner
Right Banner