Vịnh Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế hơn 60 km và thành phố Đà Nẵng khoảng 25km. Nằm lọt thỏm giữa nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, một bên là đèo Hải Vân, một bên là đèo Phú Gia, gần cảng Chân Mây, Lăng Cô hiện lên là một dãy cồn cát đẹp và chạy dài.
Vịnh Lăng Cô có gì ?
Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5 km, với nước biển xanh trong, cát trắng mịn, hệ sinh thái đa dạng. Đây là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên – Huế, được Vua Khải Định xem là chốn “bồng lai tiên cảnh”. Năm 2009, vịnh Lăng Cô được bình chọn vào danh sách “Vịnh đẹp nhất thế giới” của Worldbays.
Vườn quốc gia Bạch Mã cách trung tâm thị trấn Lăng Cô khoảng 30 km. Địa hình ở vườn quốc gia là đồi núi và sườn dốc. Đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, là địa điểm lý tưởng cho nhiều du khách thích trekking. Nếu có thời gian, bạn có thể trekking toàn bộ cung trong 2-3 ngày, hoặc vừa kết hợp trekking và đi xe ôtô lên đỉnh trong khoảng 6-7 tiếng.
Vườn là một điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Vịnh Lăng Cô. Du khách có thể khám phá nhiều loài thực vật, dừng chân ở một số địa điểm như Vọng Hải Đài, nơi ngắm nhìn toàn cảnh biển từ trên cao; Ngũ Hồ – một khu hồ lớn được tạo thành từ 5 hồ nhỏ; Thác Đỗ Quyên với vẻ đẹp hùng vĩ và Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế, một nơi yên bình để tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Vịnh Lăng Cô có nhiều bãi tắm đẹp, trong đó bãi Cảnh Dương, Lăng Cô và Bình An là ba nơi nổi bật nhất. Ở bãi Cảnh Dương, bình minh là thời điểm đẹp nhất trong ngày . Du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh mặt trời dần nhô lên từ phía đường chân trời, ôm lấy bãi biển hình vòng cung, tia nắng rọi xuống mặt biển tạo hiệu ứng lấp lánh. Tại đây cũng có nhiều dịch vụ cắm trại, thuê lều bên bãi biển. Du khách có thể thuê thuyền của ngư dân khám phá vùng biển dưới chân đèo Hải Vân.
Đầm Lập An cách trung tâm thị trấn Lăng Cô 5km, là đầm nước lợ lớn nhất ở Huế. Đầm Lập An nằm nép mình dưới chân đèo Phú Gia, bao quanh đầm là dãy núi Bạch Mã hùng vĩ. Du khách nên tới đầm vào buổi sáng sớm, khi thủy triều thấp để có thể thấy con đường rẽ nước giữa đầm. Đây cũng từng là nơi câu cá yêu thích của vua Khải Định và Bảo Đại mỗi khi hè về.
Bên cạnh đó, du khách có thể thuê thuyền để ngắm cảnh, thưởng thức hải sản tươi ngon được nuôi tại đầm, tìm hiểu cuộc sống người dân làng chài…
Đèo Hải Vân gần vịnh Lăng Cô được những người đam mê phượt yêu thích bởi khung cảnh biển trời lộng gió. Khi vượt qua những đoạn đèo uốn lượn, du khách có thể dừng chân để nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng toàn cảnh vịnh Lăng Cô từ trên cao.
Cầu vòm Đồn Cả nằm dưới chân đèo Hải Vân là công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và kiến trúc. Vào khoảng năm 1881-1885, tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam dài 70 km nối liền Sài Gòn – Mỹ Tho được người Pháp khởi công. Đến đầu thế kỷ 20, tuyến đường tiếp tục được xây dựng qua đèo Hải Vân với tổng chiều dài 28 km, với 18 cây cầu, trong đó có cầu vòm Đồn Cả. Cầu hoàn thành vào khoảng năm 1906, được xây dựng chủ yếu bằng đá với kiến trúc ấn tượng gồm 4 vòm. Cầu cao khoảng 20m và dài khoảng 100m. Ngày nay, cầu không chỉ là một phần quan trọng của tuyến đường sắt Bắc – Nam mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho các bạn trẻ đam mê khám phá.
Lưu ý khi đến vịnh Lăng Cô
Thời tiết ở vịnh Lăng Cô Huế được chia thành hai mùa rõ rệt là mùa nóng và mùa lạnh. Phần lớn du khách đến đây để nghỉ dưỡng và tắm biển. Nên thời gian thích hợp nhất để đến đây là từ tháng 4 đến đầu tháng 8 hàng năm. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu, nước biển trong xanh và sóng êm dịu thích hợp cho các hoạt động tắm biển và nghỉ dưỡng.
Từ tháng 8 đến tháng 11 là mùa mưa ở Lăng Cô. Nước biển thường đục và không thuận lợi cho việc tắm biển hay chụp ảnh. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, thời tiết lúc này khá lạnh, có thể xuống dưới 10 độ.
Lăng Cô nằm dọc quốc lộ 1A, ngay chân đèo Hải Vân, nên thuận tiện di chuyển bằng đường bộ như ôtô riêng hay xe khách. Nếu đi tàu hỏa hay máy bay, du khách nên chọn điểm đến là Đà Nẵng. Thời gian di chuyển từ sân bay/ga tàu về Lăng Cô khoảng 1 tiếng 15 phút. Nếu đến Huế, thời gian di chuyển sẽ gấp đôi.
Open this in UX Builder to add and edit content