Một cô gái 18 tuổi tại Bắc Giang vừa được xác định dương tính do bệnh bạch hầu, đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang ghi nhận nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng.
Cô gái 18 tuổi tại Bắc Giang vừa được xác định dương tính do bệnh bạch hầu
Cô gái này tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ngày 25-28/6 về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với một nữ sinh khác (P. T. C., (trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn). Sau thi, ngày 1/7 cô đón xe khách từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa.
Trước đó, ngày 24/6, bệnh nhân C., có biểu hiện sốt, ho, đau họng, tự mua thuốc điều trị (thuốc tây và thuốc nam) nhưng không đỡ. Vài ngày sau nữ sinh phát bệnh rồi tử vong, CDC tỉnh Nghệ An ghi nhận do bệnh bạch hầu, điều tra dịch tễ và thông báo CDC Bắc Giang về ca nghi nhiễm trên.
Ngày 5/7, cô gái bị đau họng, biết tin bạn từng ở cùng phòng tử vong do bạch hầu nên ra tiệm thuốc mua kháng sinh uống. Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm của cô gái xét nghiệm, bước đầu xác định dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị.
Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong, trong đó có trường hợp ở Bắc Giang.
Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tuy nhiên hiện lực lượng chức năng chưa thống kê hết số người từng tiếp xúc bệnh nhân do phạm vi di chuyển rộng, đã qua nhiều ngày.
“Bạch hầu lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp nên nguy cơ bệnh lây lan rộng”, đại diện CDC Bắc Giang cảnh báo.
Đây là bệnh nhân bạch hầu đầu tiên tại Bắc Giang trong năm nay. Từ tháng 8/2023, bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, với 20 ca nhiễm, 3 ca tử vong (tính đến cuối năm ngoái). Năm 2020, dịch bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Phước… với 5 ca tử vong, 200 ca mắc.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).
Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, trung bình 5-10% số ca.
Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Open this in UX Builder to add and edit content