Cảm nhận của du khách về Chùa Cầu sau khi trùng tu có gì đặc biệt?

Trước diện mạo mới của Chùa Cầu có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều người khen đẹp, công phu, nhưng cũng có không ít ý kiến nhận xét công trình cổ này lạ lẫm quá.

Người hụt hẫng, người bất ngờ

Chùa Cầu Hội An đã là một biểu tượng quá quen thuộc với người dân Việt Nam khi đến miền đất mộng mơ. Ngôi chùa cổ kính in trên tờ tiền 20.000 đồng với kiến trúc độc đáo không chỉ là di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng, mà còn là niềm tự hào của người dân phố Hội. Xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới. Hơn 4 thế kỷ tồn tại, dấu tích của thời gian đã in hằn lên từng góc cạnh của ngôi chùa vậy nên Chùa Cầu đã trải qua không ít lần tu bổ. Lần trùng tu quan trọng nhất cũng vừa hoàn thành cách đây không lâu và khi lớp áo cũ được lột bỏ đã lập tức tạo nên những cuộc tranh luận của cộng đồng mạng.

Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu.
Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu.
Cận cảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu
Cận cảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu

Vừa qua, sau gần 2 năm trùng tu, đơn vị thi công tu bổ Chùa Cầu đã tháo dỡ nhà bao che bảo vệ công trình và bất cứ ai đi ngang qua đây đều có thể ngắm di tích trong một diện mạo mới. Dễ dàng nhận thấy Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đã trở nên mới mẻ, sáng sủa hơn nhờ mái ngói và họa tiết trên mái ngói rất nổi bật. Nhưng, cũng vì điều này mà nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì độ độc lạ của di tích, thậm chí còn nhận xét diện mạo mới kém phần “cổ kính” so với trước đây.

Khách du lịch ghi nhận hình ảnh Chùa Cầu sau khi được "thay da đổi thịt".
Khách du lịch ghi nhận hình ảnh Chùa Cầu sau khi được “thay da đổi thịt”.

Chị P.T.Trang (Quảng Ninh) du lịch ngày 28/7 cho biết, chị hoàn toàn đồng tình với việc tu sửa Chùa Cầu để lưu giữ, bảo tồn được giá trị về nhiều mặt nhưng cũng không giấu được sự bất ngờ: “Khi công trình đã xuống cấp thì việc tu sửa là cần thiết. Tuy nhiên mình vẫn khá bất ngờ vì Chùa Cầu sau tu sửa có một diện mạo hơi xa lạ một chút, mình mong nơi đây sẽ lưu giữ được nét đẹp vốn có hơn thay vì những lớp sơn mới cứng như vậy”.

Vốn là một người vô cùng yêu thích Hội An, ghé Chùa Cầu không biết bao nhiêu lần thì Ruby.Đ (26 tuổi, TP.HCM) lại có cảm nhận rằng: “Khi nhìn hình ảnh Chùa Cầu trong diện mạo mới thì với một người rất mê Hội An mình hơi ngỡ ngàng, ngơ ngác cảm thấy nó bị mất đi vẻ hoài cổ, nhìn cứ “cấn cấn”. Đặc biệt là phần mái nhà, nếu được thay đổi lại thì mình nghĩ phần cần được thay nhất chính là màu sắc của mái chùa, có thể thay bằng ngói đỏ và phần họa tiết trên đỉnh nên đổi thành màu xanh cẩm thạch thay thì vì ngọc bích như hiện tại”.

Phần mái ngói cực mới lạ là chi tiết được nhiều người chú ý
Phần mái ngói cực mới lạ là chi tiết được nhiều người chú ý

Bên cạnh những ý kiến khá bất bình về diện mạo mới của Chùa Cầu thì vẫn có những vị khách cảm thấy cuộc đại trùng tu này mang lại kết quả thiết thực. “Mình thấy Chùa Cầu bên ngoài đẹp hơn trên ảnh, nơi đây vẫn giữ những kiến trúc như xưa, không khác bản cũ lắm đâu, chắc chắn qua một thời gian Chùa Cầu sẽ lại có nét rêu phong cổ kính của nó. Mình thấy để bảo tồn những điểm di tích trại một thành phố cổ như Hội An không hề dễ và mình chưa bao giờ hết yêu Hội An“. Bạn H.T.P (22 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.

Cũng giống như H.T.P, cô bạn N.H.T (29 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Mọi người thấy có vô lý không khi một công trình lịch sử được đại trùng tu xong lại phải “sơn màu thời gian” để giống y hệt như lúc chưa trùng tu? Chùa Cầu đã trải qua 400 năm với nhiều lần sửa chữa trước đó và theo mình thời điểm hiện tại, cuộc cuộc đại trùng tu này tuy chưa đạt đến độ xuất sắc nhưng có lẽ đã là tốt nhất rồi. Trùng tu chứ không phải làm giả cổ vì cái phần quan trọng nhất của trùng tu là kết cấu bên trong chứ không đơn thuần là phần mới mẻ bên ngoài như mọi người thấy trên ảnh“.

Linh hồn của phố Hội đã quay trở lại

Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ nhưng do sử dụng trong thời gian quá dài, gánh chịu lượng khách lớn cộng với tình hình lũ lụt ở Hội An nên việc di tích bị hư hại và buộc phải trùng thu, thay thế là điều không tránh khỏi.

Những vết tích hư hại của Chùa Cầu sau hàng trăm năm tồn tại
Những vết tích hư hại của Chùa Cầu sau hàng trăm năm tồn tại

Anh P.A.N, một người sống lâu năm ở Hội An cho biết, anh và nhiều người dân tại đây rất mừng khi Chùa Cầu được trùng tu, sửa chữa. Anh bày tỏ rằng: “Theo thời gian, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi qua lại Chùa Cầu hằng ngày nên biết rất rõ mức độ hư hại của di tích. Mỗi lần đi là mỗi lần run, có cảm giác như di tích sắp sập tới nơi. Rất may trùng tu kịp thời và người dân ở đây chỉ hy vọng sắp tới di tích này sẽ khang trang, đặc biệt là an toàn hơn. Vẻ cổ kính đúng là đặc trưng lâu nay của Chùa Cầu nhưng không thể để công trình trở nên thiếu an toàn được“.

Người dân Hội An phấn khởi vì "linh hồn" phố Hội trở lại kiên cố và vững chãi hơn
Người dân Hội An phấn khởi vì “linh hồn” phố Hội trở lại kiên cố và vững chãi hơn

Những người sống ở Hội An đủ hiểu Chùa Cầu đã xuống cấp nặng thế nào, các bậc gỗ đã mất khả năng chống chịu. Và không phải gần 2 năm mà mất tận 7 năm dự án trùng tu này mới hoàn thành, bởi trước đó các chuyên gia phải nghiên cứu kĩ đúng nguyên bản. Người Hội An rất vui mừng khi Chùa Cầu trở lại vì nó là biểu tượng và linh hồn phố cổ, còn lớp áo bên ngoài sau mùa mưa mọi thứ sẽ rêu phong trở lại.

Một số hình ảnh Hội An sau những cuộc đại trùng tu
Một số hình ảnh Hội An sau những cuộc đại trùng tu

Rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra, trong đó không ít người cho rằng nếu phải chờ 3-4 năm để công trình xuống màu thì không ổn, bởi trùng tu cần tiệm cận cái cũ. Vậy nên sau khi nhìn nhận những ý kiến góp ý của người dân và du khách, lãnh đạo TP Hội An cho biết, đang giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sơn lại công trình cho sát với màu cũ của Chùa Cầu hơn.

Chùa Cầu Hội An sẽ được sơn lại màu mới để mang dáng vẻ "trầm mặc" hơn
Chùa Cầu Hội An sẽ được sơn lại màu mới để mang dáng vẻ “trầm mặc” hơn

Qua hình ảnh Chùa Cầu, có thể nói thời gian dường như chỉ là điểm nhấn của một tác phẩm, những mảng rong rêu hay cái màu cũ nhạt không thể lột tả hết về cái hồn của một công trình kiến trúc. Dù thế nào đi nữa chúng ta không thể phủ nhận việc trùng tu Chùa Cầu là điều cần thiết, bởi cuộc đại trùng tu này đã trả lại cho Hội An một Chùa Cầu vững chãi, kiên cố hơn. Rồi mảng màu sắc có vẻ tươi mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vẫn tồn tại ở đó với người dân phố Hội, với cộng đồng, với quốc gia mà không mất đi đâu cả.

Open this in UX Builder to add and edit content

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Left Banner
Right Banner